Đây là ảnh minh hoạ quảng cáo

Câu hỏi 1 :

Sự kiện nào đánh dấu liên quân Mĩ – Anh và Đồng minh mở mặt trận thứ hai tấn công quân Đức ở Tây Âu?

  • A

    Cuộc tấn công vòng cung Cuốcxcơ (Liên Xô)

  • B

    Cuộc tấn công quân Nhật Bản ở Guađancanan trên Thái Bình Dương

  • C

    Cuộc đổ bộ Noócmăngđi (Pháp)

  • D

    Cuộc đổ bộ đánh chiếm đảo Xixilia (Ialia)

Đáp án: C

Lời giải chi tiết:

Mùa hè năm 1944, Mĩ – Anh và Đồng minh mở mặt trận thứ hai tấn công quân Đức ở Tây Âu bằng cuộc đổ bộ vào bờ biển Noóc- măng-đi (miền bắc nước Pháp). Từ đây phát xít Đức lâm vào tình thế nguy ngập, buộc phải chiến đấu cùng một lúc trên cả hai mặt trận phía Đông và Tây.

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 2 :

Vì sao các cường quốc tư bản dân chủ và Liên Xô không thể ngăn chặn được các cuộc xâm lược của chủ nghĩa phát xít?

  • A

    Lực lượng của khối liên minh phát xít quá mạnh

  • B

    Những thủ đoạn truyền mị dân của Đức đã làm mềm lòng các nước đế quốc, lừa bịp được các nước Anh, Pháp, Mĩ và Liên Xô

  • C

    Không có một đường lối, một hành động thống nhất trước những hành động của Liên minh phát xít

  • D

    Các nước tư bản dân chủ và Liên Xô quá chủ quan, không quan tâm đến sự bành trướng thế lực của chủ nghĩa phát xít

Đáp án: C

Phương pháp giải:

Dựa vào chính sách đối ngoại của Liên Xô và các nước tư bản dân chủ để suy luận trả lời.

Lời giải chi tiết:

Các cường quốc tư bản dân chủ và Liên Xô không thể ngăn chặn được các cuộc xâm lược của chủ nghĩa phát xít do không có một đường lối, một hành động chung, thống nhất trước những hành động của Liên minh phát xít.

- Liên Xô: coi chủ nghĩa phát xít là kẻ thù nguy hiểm nhất nên đã chủ trương liên kết với Anh và Pháp để chống phát xít và nguy cơ chiến tranh.

- Anh, Pháp: thực hiện chính sách nhượng bộ phát xít, hòng đẩy chiến tranh về phía Liên Xô.

- Mĩ: thực hiện chính sách trung lập, không can thiệp vào các sự việc xảy ra bên ngoài châu Mĩ.

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 3 :

Đâu không phải là lý do khiến phát xít Đức quyết định mở cuộc tấn công vào Liên Xô tháng 6-1941?

  • A

    Hiệp ước Xô – Đức không xâm lược lẫn nhau hết hiệu lực

  • B

    Phát xít Đức muốn thôn tính toàn bộ châu Âu

  • C

    Nhu cầu về nguồn dầu mỏ phục vụ cho chiến tranh

  • D

    Do sự đối lập về ý thức hệ giữa Đức và Liên Xô

Đáp án: A

Phương pháp giải:

Dựa vào cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai đến tháng 6-1941 để suy luận trả lời

Lời giải chi tiết:

Nguyên nhân Đức mở cuộc tấn công vào Liên Xô tháng 6-1941 là:

- Bản thân Đức và Liên Xô đã có sự đối lập về hệ tư tưởng phát xít và chủ nghĩa Mác- Lênin

- Đến giữa năm 1941, phát xít Đức đã thôn tính phần lớn khu vực châu Âu chỉ còn lại Liên Xô. Hơn nữa tham vọng của Hít-le là trở thành bá chủ châu Âu nên việc tấn công Liên Xô chỉ là vấn đề thời gian

- Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai gây ra cho Đức nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề năng lượng. Do đó Đức đã nhìn sang phía Đông và nhắm đến cả mỏ dầu ở Bacu. Tin rằng Anh và Mỹ không có khả năng đánh nước Đức và đồng minh

=> Ngày 22-6-1941, Đức đã xé bỏ Hiệp ước Xô- Đức không xâm lược nhau, tấn công Liên Xô.

Đáp án A: Hiệp ước Xô – Đức không xâm lược lẫn nhau hết hiệu lực không phải là nguyên nhân dẫn đến phát xít Đức quyết định mở cuộc tấn công vào Liên Xô tháng 6-1941.

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 4 :

Trong những năm 30 của thế kỉ XX, phe “Trục” được hình thành gồm các nước nào?

  • A

    Đức, Áo- Hung

  • B

    Đức, Italia, Nhật Bản

  • C

    Italia, Hunggari, Áo

  • D

    Mĩ, Liên Xô, Anh

Đáp án: B

Lời giải chi tiết:

Trong những năm 30 của thế kỉ XX, các nước phát xít Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản đã liên kết với nhau thành liên minh phát xít, còn được gọi là Trục Beclin – Rô-ma – Tôkyô hay phe Trục

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 5 :

Hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 là

  • A

    Dư thừa hàng hóa do cung vượt quá cầu

  • B

    Xuất hiện chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh

  • C

    Nạn thất nghiệp tràn lan

  • D

    Sản xuất đình đốn

Đáp án: B

Lời giải chi tiết:

Từ trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, các thế lực phát xít đã lên nắm quyền ở Đức, Italia, Nhật Bản, ráo riết chạy đua vũ trang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới. Đây chính là hậu quả nghiêm trọng nhất mà cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 tạo ra.

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 6 :

Nguyên nhân khách quan làm cho Đức không thực hiện được kế hoạch đổ bộ vào nước Anh năm 1940 là

  • A

    Quân đội Đức đã suy yếu do đánh chiếm nhiều nước ở châu Âu

  • B

    Anh có ưu thế về không quân và hải quân so với Đức

  • C

    Liên Xô đã tuyên chiến với Đức ở mặt trận phía Đông

  • D

    Hoa Kì bắt đầu viện trợ cho Anh

Đáp án: D

Phương pháp giải:

Dựa vào cục diện chiến tranh năm 1940 để suy luận trả lời.

Lời giải chi tiết:

Tháng 7 – 1940, quân Đức thực hiện kế hoạch tiến đánh nước Anh. Tuy nhiên, do ưu thế về không quân và hải quân của Anh. Đồng thời do sự viện trợ của Mĩ dành cho Anh bắt đầu từ tháng 9-1940, cho nên kế hoạch đổ bộ lên nước Anh của Đức thất bại.

=> Lí do khách quan nào làm cho Đức không thực hiện được kế hoạch đổ bộ vào nước Anh năm 1940 là do Hoa Kì bắt đầu viện trợ cho Anh.

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 7 :

Trước các cuộc chiến tranh xâm lược của Liên minh phát xít, chính phủ Mĩ đã thực hiện đường lối đối ngoại như thế nào?

  • A

    Kêu gọi các nước tư bản dân chủ liên minh lại để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít

  • B

    Liên kết với Liên Xô để chống chủ nghĩa phát xít

  • C

    Theo chủ nghĩa biệt lập và không can thiệp vào các sự kiện bên ngoài châu Mĩ

  • D

    Thực hiện chính sách nhượng bộ phát xít để đổi lấy hòa bình

Đáp án: C

Lời giải chi tiết:

Với Đạo luật trung lập (tháng 8-1935), giới cầm quyền Mĩ thực hiện chính sách không can thiệp vào các sự kiện xảy ra bên ngoài châu Mĩ.

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 8 :

Nhân tố nào đã đào sâu thêm mâu thuẫn giữa các nước đế quốc và là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bùng nổ của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai?

  • A

    Sự ra đời và lên nắm quyền của các lực lượng phát xít ở một số nước

  • B

    Hệ thống hòa ước Véc-xai- Oasinhtơn

  • C

    Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933

  • D

    Chính sách dung dưỡng của Anh, Pháp, Mĩ

Đáp án: C

Phương pháp giải:

Dựa vào bối cảnh thế giới trong những năm 20-30 của thế kỉ XX để phân tích, đánh giá

Lời giải chi tiết:

Những mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề dân tôc thuộc địa sau chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn không thể xóa bỏ bởi hệ thống hòa ước Véc-xai- Oasinhtơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã càng đào sâu thêm những mâu thuẫn đó, dẫn đến sự lựa chọn 2 con đường giải quyết khủng hoảng khác nhau, hình thành nên chủ nghĩa phát xít. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ hai (1939- 1945).

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 9 :

Sự thăng trầm của nền kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn 1918-1939 phản ánh quy luật gì?

  • A

    Quy luật phát triển không đều

  • B

    Quy luật hình sin

  • C

    Quy luật giá trị

  • D

    Quy luật cạnh tranh và quan hệ cung cầu

Đáp án: B

Phương pháp giải:

Dựa vào sự phát triển của nền kinh tế các nước tư bản để nhận xét, đánh giá.

Lời giải chi tiết:

Trong giai đoạn 1918-1939, kinh tế các nước tư bản trải qua những bước phát triển thăng trầm đầy biến động. Nếu như trong hơn 10 năm đầu sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1918-1929), các nước tư bản từng bước ổn định và đạt được sự tăng trưởng cao về kinh tế, thì trong 10 năm sau (1929-1939) đã lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng có. Điều này phản ánh quy luật hình sin (phát triển đến một mức độ nhất định sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng và buộc phải tìm ra giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục phát triển)

Đáp án - Lời giải

Câu hỏi 10 :

Sự kiện Nhật Bản đầu hàng Đồng minh không điều kiện (15-8-1945) đã có tác động như thế nào đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam?

  • A

    Tạo thời cơ khách quan cho cách mạng tháng Tám giành thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu

  • B

    Tạo tình thế mới để Việt Nam đứng lên đấu tranh chống Nhật

  • C

    Tạo điều kiện cho Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát xít

  • D

    Tạo thời cơ để cách mạng tháng Tám đánh bại chế độ phong kiến Bảo Đại

Đáp án: A

Phương pháp giải:

Liên hệ với lịch sử Việt Nam để trả lời.

Lời giải chi tiết:

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa phát xít Đức, Nhật bị tiêu diệt. Trong khí đó, ở Việt Nam sau cuộc đảo chính Pháp của Nhật (9-3-1945) thì kẻ thù duy nhất của ta là phát xít Nhật. Quân Đồng minh đánh bại phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho Việt Nam tổ chức tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu. Bởi vì kẻ thù duy nhất của ta đã gục ngã, quân Nhật ở Đông Dương cũng đã rệu rã.

Đáp án - Lời giải
 
 
Chia sẻ